Chủ nhân của bộ bàn ghế độc - lạ này là ông Trần Anh Dũng , tên thường gọi là Hai Dũng (ấp An Hào, xã An Hảo - Tịnh Biên - An Giang). Do bận nhiều công việc làm ăn nên ông Dũng không thường xuyên ở nhà. Vì vậy tôi phải nhờ đồng nghiệp địa phương hẹn trước mới được ông Dũng sắp xếp để chiêm ngưỡng của gia bảo.
Nằm ngay trong khuôn viên mát rượi của vườn xoài cổ thụ thâm to hai vòng tay người lớn, ngôi nhà dưới chân Núi Cấm hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn, ngọn núi đứng đầu trong dãy Thất Sơn huyền thoại bởi sự chất chứa nhiều câu chuyện kỳ bí, bộ bàn ghế như có sức hút kỳ lạ ngay cái nhìn đầu tiên bởi sắc đen tuyền và hình thù kỳ quái của chất gỗ.
Theo lời ông Dũng, bộ bàn ghế được chế tác từ thân gỗ nguyên khối có hoành rộng hơn 5 mét do cha ông khai thác được dưới đáy sông Mekong và đưa về Việt Nam trước ngày thống nhất đất nước (1975).
Ngay lập tức chúng tôi bị hút vào câu chuyện hấp dẫn đầy màu sắc kỳ lạ của hành trình phát hiện và khai thác. Theo lời ông Dũng, vào thập niên 60, cha ông sinh sống tại Campuchia. Trong một lần làm việc trên sông Mekong, sợi dây chuyền trên cổ cha ông đột nhiên bị đứt, làm rơi chiếc nang heo rừng xuống sông.
Tiếc vật quý, cha ông Dũng cùng cộng sự mò tìm, thì phát hiện khúc gỗ khổng lồ đang ẩn mình dưới lớp bùn đáy sông. Biết là gỗ quý, cha ông Dũng huy động nhân lực, vật lực để trục vớt. Nhưng kỳ lạ thay, nhóm thợ khởi động mãi vẫn không được vì lúc thì dây bị đứt, lúc thì tàu chết máy... Mãi đến khi cha ông Dũng sắm lễ, thành tâm cúng bái, đội trục vớt chuyên nghiệp mới đưa được khúc cây lên bờ.
Khi quyết định về Việt Nam sinh sống, cha ông Dũng thuê thợ chuyên nghiệp đưa khúc gỗ xuôi sông Mekong về theo. Do chưa tìm ra ý tưởng chế tác, nên cây gỗ này như “của để dành”. “Nửa thế kỷ sau, khi anh em thành đạt, tôi quyết định mang mẫu gỗ đến Trung tâm Hạt nhân (TP. Hồ Chí Minh) giám định”- ông Dũng cho biết.
Ngày 29.12.2027, Phòng Thủy văn đồng vị nơi đây cho biết, qua phân tích niên đại bằng phương pháp carbon phóng xạ (C-14), xác định gỗ này có niên đại 1.950 năm cộng trừ 90 năm. Quá vui mừng trước tin này, gia đình ông Dũng quyết định đầu tư, rước thợ về chế tác thành sản phẩm để tưởng nhớ đến người cha quá cố.
Qua hội ý, gia đình quyết định chế tác thành bộ bàn ghế kiểu như salon. Chọn nhóm thợ từ làng mộc nổi tiếng về, nhưng sau khi thử cưa, thử búa thì tất cả xin thôi vì gỗ quá cứng... Cuối cùng, nhóm thợ tại vùng Bảy Núi đồng ý nhận lời. Sau nhiều ngày làm việc liên tục với hàng chục lần thay lưỡi cưa thép, nhóm thợ đã xẻ được khúc gỗ.
Có lẽ do quá cổ xưa nên khúc gỗ không còn xớ (vân) để nhận biết đây là gỗ gì, nhưng toàn bộ thịt gỗ có màu đen tuyền y như gỗ mun sừng. Sau thoáng vui, gia đình ông Dũng rơi vào lo lắng vì mặt gỗ có nhiều lổ rỗng...giống như cây gỗ tạp bị côn trùng đục phá.
Tuy nhiên, khi nhìn kỹ thì tất cả lỗ rỗng đều trơn láng tự nhiên như được bàn tay thiên nhiên bào đục tỉ mỉ. Đặc biệt, là phần bên ngoài của thân gỗ, sau khi được cưa, cắt đã bộc lộ nhiều dấu xù xì tạo thành những đóa “bông cây” rất độc đáo với nhiều hình ảnh rất sự độc lạ...


Sau hơn 3 tháng làm việc miệt mài, nhóm thợ tận dụng tất cả phần gỗ chế tác bộ bàn ghế có tổng trọng lượng 3,6 tấn, với những con số đẹp hoàn đến bất ngờ. Cụ thể, bộ bàn ghế có với 7 món chính, con số trùng với số 7 của vùng đất Thất Sơn, gồm 2 ghế trường, 2 bàn và 3 ghế đoản. Phần nhánh dính vào thân được chế tác thành 6 đôn trơn.
Trái ngược với lớp vỏ xù xì, thô ráp của phần bông cây và những vết rỗng, mặt gỗ rất láng. Sau khi đánh giáp, chỉ phun lên lớp PU nhẹ, mặt gỗ trở nên láng bóng như đồ gỗ sử dụng lâu ngày lên “ten”. Không biết có phải vì thế cộng với khí hậu của vùng núi Cấm thoáng đãng, trong lành... mà mỗi khi ngồi lên chiếc ghế này, mọi người đều cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng, tinh thần thư thái đến kỳ lạ...
Với sự độc lạ của bộ bà ghế 2.000 năm này, nếu ngành du lịch biết đầu tư, khai thác thì đây sẽ là điểm đến mới, hấp dẫn du khách gần xa trong chuyến hành hương du tâm linh khám phá vẻ đẹp của Núi Cấm đang chất chứa bên trong nhiều câu chuyện đậm đà màu sắc huyền bí...
Nhận xét
Đăng nhận xét