Độc đáo nhà sàn cổ
Nghệ nhân Nông Lưu Hoằng, người dân tộc Nùng ở Trùng Khánh (Cao Bằng) cho biết, qua hàng nghìn năm đúc rút kinh nghiệm thì người Tày – Nùng mới hình thành kiểu kiến trúc nhà sàn độc đáo như hiện nay. Thông thường, kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc vùng biên giới này tồn tại bốn kiểu khác nhau.
Nhà “lều”, là loại nhà có kết cấu đơn giản và sơ khai nhất. Nhà “quan ma” là loại nhà sàn thường có bốn gian với đặc điểm cột được chôn sâu xuống đất, được biến thể từ kiểu nhà “lều” nhằm bảo vệ con người và vật nuôi khỏi thú dữ. Nhà “cai tư” là kiểu nhà biến thể tiếp của nhà “quan ma” với đặc điểm thường có năm gian (ba gian chính và hai gian trái), cột nhà được kê bằng đá tảng. Cuối cùng là nhà “con thong” là loại nhà phổ biến nhất hiện nay.
Theo cụ Hoằng, bốn kiểu nhà sàn này của dân tộc Tày gần giống với kiến trúc nhà sàn dân tộc Nùng. Tuy nhiên, có sự khác nhau về quan niệm, phong tục tập quán và thói quen sinh hoạt của hai dân tộc.
“Một đặc điểm dễ nhận thấy là nhà sàn có diện tích sử dụng rộng rãi, được chia thành các gian và mỗi gian đều có chức năng riêng: Gian giữa dùng làm bàn thờ. Các gian phụ được dùng sinh hoạt, để đồ đạc. Cầu thang lên làm bằng gỗ và thường có chín bậc, mỗi bậc tượng trưng cho một vía của người phụ nữ. Gầm sàn là nơi để dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc, nghệ nhân Nông Lưu Hoằng cho hay.
Trong ngôi nhà sàn, từ cách bố trí không gian thờ cúng tổ tiên, nơi tiếp khách, bếp núc cho tới buồng ngủ của mỗi thành viên trong gia đình đều thể hiện rõ phong tục, tập quán, nền nếp của đồng bào Tày – Nùng. Việc dựng một căn nhà sàn không hề đơn giản. Ngoài lượng gỗ phải gom trong nhiều năm, thì các khâu xây dựng, kiến trúc phải nhờ người kinh nghiệm lâu năm.
Bà Nông Thị Huyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thông Huề cho biết, khi dân số ngày càng tăng kéo theo nhu cầu đất đai, nhà ở. Trong khi đó, gỗ trong rừng đã trở nên khan hiếm nên mới có chuyện nhiều người đi săn nhà sàn cổ ở các vùng lân cận.
Theo bà Huyên, cách đây vài năm ở địa phương xuất hiện những đoàn người chuyên đi vận chuyển bộ gỗ nhà sàn cũ. Họ thuộc nhóm chuyên mua nhà sàn cũ – cổ. Trung bình một bộ gỗ nhà sàn cũ có giá từ 40 đến 80 triệu tùy thuộc theo từng chất lượng. Còn những gia đình có nhà sàn cổ cực đẹp thì giá bán đến vài trăm triệu.
Nguy cơ biến mất
Ông Mông Văn Sau (75 tuổi) ở huyện Quảng Hòa từng tham gia đoàn người mua nhà sàn cũ, cho hay: “Ngoài những giá trị văn hóa, thói quen sinh hoạt, nhà sàn cũng có nhiều cái tiện lợi. Căn nhà sàn nào cũng có ba tầng, tầng dưới tận dụng làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm; dụng cụ phục vụ lao động sản xuất, chăn nuôi. Tầng giữa người ở, tầng trên để ngô, thóc và các loại đồ dùng hằng ngày. Dù bà con rất yêu quý nếp nhà sàn nhưng số tiền mà họ phải thường xuyên chi ra để sửa chữa là rất lớn”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Ma Thanh Sợi cho biết, ở Cao Bằng thì người Tày – Nùng chiếm trên 70% dân số. Cùng với trang phục, ngôn ngữ, nhà sàn là một trong ba yếu tố hình thành bản sắc truyền thống, nét đẹp văn hóa lâu đời. Nhưng cùng với sự phát triển xã hội, những ngôi nhà sàn đã và đang bị thay thế bằng những ngôi nhà xây cấp bốn, nhà cao tầng.
Để tìm hiểu sự thay đổi về không gian sống của người dân tộc thiểu số, chúng tôi đã rong ruổi khắp các bản làng có người Tày – Nùng đang sinh sống ở các huyện vùng cao như Lào Cai, Cao Bằng và một số tỉnh miền núi khu vực Việt Bắc. Ở những bản xa trung tâm, vẫn còn hình ảnh ngôi nhà sàn thấp thoáng sau những rặng tre, lùm cây, giúp người ta dễ nhận ra đây là bản của người dân tộc sinh sống.
Song ở những bản làng gần tỉnh lộ, quốc lộ, những ngôi nhà sàn hai mái (hoặc bốn mái) lợp ngói âm dương đã được thay thế bằng những ngôi nhà xây, nhà tầng, mái lợp prô xi măng, tôn chống nóng.
Theo nhà nghiên cứu Ma Thanh Sợi, trước đây trong các bản làng đều làm nhà sàn lợp ngói âm dương. Một số tận dụng địa hình làm nhà nửa nhà sàn nửa nhà đất. Nhưng dù là nhà sàn hay kiểu nhà nửa sàn nửa đất thì ngôi nhà cũng có ba gian, hai mái. Chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây mà số lượng nhà sàn đã giảm đáng kể.
Ông Sợi dự đoán, khoảng chục năm nữa làn hà sàn của người Tày – Nùng có thể “tuyệt chủng” và hình ảnh đẹp đẽ ấy sẽ chỉ còn trong sách vở. Điều đó đồng nghĩa với nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống, những nét đẹp trong phong tục tập quán của đồng bào dân tộc.
Tuy nhiên, trong quan niệm của người dân vùng cao, họ coi đây là một sự đánh đổi để thay đổi bộ mặt nông thôn. Thậm chí, với nhiều người nhà sàn không còn hữu dụng.
“Nhiều gia đình phá hoặc bán nhà sàn đi để làm nhà kiên cố bằng gạch đã và đang diễn ra rất mạnh. Chính quyền không thể cấm họ bán nhà sàn, cũng không thể cấm họ làm nhà gạch. Cho nên, Nhà nước cần có kế hoạch bảo tồn và khuyến khích đồng bào dân tộc giữ lại nhà sàn cũng như nếp văn hóa dân tộc mình”. - Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Ma Thanh Sợi
Nhận xét
Đăng nhận xét