Không phải chỉ những ngôi nhà theo phong cách hoài cổ mới thích hợp bày tượng gỗ nghệ thuật, mà ở những ngôi nhà được thiết kế theo phong cách hiện đại cũng mang một nét đẹp riêng. Từ những vân gỗ cho đến nghệ thuật tạo tác đã mang vẻ đẹp bí ẩn và tạo được cảm giác thiền tĩnh lặng, sâu lắng.
Từ xưa một thú chơi
Nghệ nhân đồ gỗ phong thủy Đặng Đức Tỉnh ở xóm 7, làng Hành Thiện (Xuân Trường - Nam Định), một ngôi làng cổ nổi tiếng của Việt Nam, cho biết thực tế là thú chơi tượng gỗ đã có trong các gia đình Việt từ xa xưa, bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian và lối sống gần gũi với thiên nhiên. Khi mức sống nâng cao, cùng với cuộc sống hiện đại nhiều lo toan, thì những năm gần đây thú chơi đồ gỗ phong thủy càng rộ lên hơn bao giờ hết.
Đối với ai được coi là "sành" chơi đồ gỗ mỹ nghệ thì một bức tượng gỗ được coi là có giá trị là phải phải mang đậm tính triết lý phương Đông, cụ thể là phải tuân thủ theo quy luật Âm Dương – Ngũ Hành và thuật phong thuỷ. Hầu hết mỗi bức tượng đều có liên quan đến các cung trong nhà, ví dụ tượng Di Lặc Phật Tổ vào cung Phú Quý trong nhà; tượng Khổng Tử, Khổng Minh, Chu Văn An vào cung Trí Thức; cung Quý Nhân đặt tượng Thánh Gióng, Trần Hưng Đạo, Quan Công, Đạt Ma Tổ Sư…; cung Phu Thê đặt tượng một thiếu nữ…
Người chơi tượng gỗ cũng hết sức chú trọng đến màu sắc của tượng, coi đây như là phần quan trọng cho cuộc sống tinh thần của mỗi người. Bức tượng đặt trong từng cung và hướng cung cũng tuân thủ theo nguyên tắc màu sắc cho cung, vị trí đó. Nếu là hướng Đông Nam là âm Mộc ứng với cung Phú Quý, phải đặt tượng gỗ có màu tối; hướng Tây Bắc là dương Kim ứng với cung Quý Nhân có thể đặt tượng gỗ bọc kim loại hoặc có chút kim loại trên tượng…
Đừng lãng phí gỗ!
Chất liệu để làm nên tượng gỗ cũng rất đa dạng, tuỳ theo quan niệm và sở thích của người chơi. Theo nghệ nhân Ninh Đức thắng (90 tuổi) ở làng nghề tạc tượng cổ truyền La Xuyên (Nam Định) thì gỗ làm tượng có hàng chục loại, nhưng thông thường người ta chia làm 2 loại theo mục đích sử dụng khác nhau. Làm tượng thẩm mỹ dùng các loại gỗ mun, trắc, sưa, hương hoặc rẻ tiền hơn thì là thông, bạch đàn. Nếu làm tượng theo thuật lý số, phong thuỷ thì ở Việt Nam phổ biến là làm tượng bằng gỗ mít vì gỗ này có thể thay đổi màu sắc theo thời tiết và được nhiều người ưa chuộng.
Để chọn được một cây gỗ quý làm ra vài ba bức tượng thì phải mất tới vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Vì vậy để chế tác thế nào không lãng phí gỗ mà đạt yêu cầu tuân thủ theo triết lý phương Đông đòi hỏi người thợ phải giàu kinh nghiệm, bàn tay tài hoa và óc thẩm mỹ tốt.
tuong go2
Bởi gỗ cũng là một sinh vật thuộc giới hữu cơ nên để có thể hoà hợp được với các chất hoá học như véc ni thì phải biết cách chế biến, mà cơ bản nhất là luộc và sấy. Trước khi tạc tượng, gỗ phải được đem luộc để làm chết các tế bào hữu cơ để tăng độ bền và cho nguyên sinh chất tiết ra ngoài. Sau công đoạn này, trong các thớ gỗ lộ ra các đường mao dẫn giúp sau này các chất véc ni bám chặt hơn. Trong lần luộc thứ 2, phải cho thêm hoá chất để bức tượng sau này thích nghi với thời tiết khí hậu. Khâu tiếp theo để gỗ đạt chất lượng là sấy chân không. Nói tóm lại, để có gỗ làm tượng phải mất một tháng rưỡi luyện gỗ.
Trong quy trình làm một bức tượng thì tốn công sức và đòi hỏi trí tuệ của nghệ nhân nhất là "thổi hồn" cho bức tượng. Có những bức tượng, nghệ nhân phải dùng đến 5 loại giấy ráp và hàng chục ngày công. Tinh hoa của nghệ nhân đổ hết vào đây, nên đường, nét thân sắc, hồn của tượng mỗi nghệ nhân làm một khác. Cũng tuỳ theo thời gian và cảm hứng sáng tạo của mỗi nghệ nhân mà cùng một người làm nhưng mỗi bức có một giá trị nghệ thuật riêng. Chính vì cái đó đã tạo cho tượng gỗ nghệ thuật có vẻ đẹp và sự đa dạng khác với các thú chơi khác.
Bày tượng gỗ theo cách của bạn!
- Đồ gỗ nội thất sẽ rất dễ bị mối mọt, ẩm mốc, mất đi độ bóng nếu người dùng không biết bảo quản đúng cách. Ánh sáng mặt trời quá mạnh có thể khiến đồ gỗ bị khô, nứt nẻ nhưng nếu độ ẩm quá cao cũng khiến đồ gỗ dễ bị mốc. Do vậy, có thể dùng máy hút ẩm, dán tấm phim mỏng lên cửa kính để ngăn tia cực tím vào trong nhà, đồng thời đặt đồ gỗ ở nơi thích hợp nhất, (khô, thoáng, ánh sáng vừa phải).
- Bạn cũng nên thường xuyên làm sạch bụi trên đồ gỗ nội thất bằng khăn mềm và chổi bằng lông vũ. Nếu có những vết bẩn bám trên bề mặt đồ gỗ thì bạn có thể lau chùi bằng bọt biển, cách này rất hiệu quả và đảm bảo giúp bạn không làm hỏng bề mặt đồ đạc. Nên hút bụi nhẹ nhàng để loại bỏ bụi từ bề mặt của đồ gỗ. Hãy phủi bụi cho đồ nội thất trước khi hút bụi trên sàn nhà.
- Nên có chế độ bảo dưỡng định kỳ, cứ nửa năm một lần, nếu có thể bạn hãy bảo dưỡng cho nội thất gỗ bằng chất đánh bóng chuyên dụng. Trước hết, bạn hãy dùng vải mềm và sạch để lau bụi trên bề mặt gỗ, sau đó cho một ít chất làm bóng lên trên tấm mút mềm và lau theo chiều của đường vân gỗ. Sau cùng, bạn hãy dùng mặt kia của tấm mút, hoặc lấy một tấm mút sạch khác lau sạch phần chất làm bóng còn sót lại; hãy chú ý là bạn không được lau quá mạnh lên bề mặt gỗ.
Nhận xét
Đăng nhận xét